Hội nghị khoa học kỷ niệm 40 năm thành lập VAST: Tiểu ban Công nghệ sinh học

Ngày 07 tháng 10 năm 2015 vừa qua đã diễn ra thành công Hội nghị khoa học kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Tiểu ban Công nghệ sinh học (CNSH). Tại hội trường tầng 9 - Tòa nhà Đào tạo và Dịch vụ - Trường Đại học Khoa học và Công nghệ (USTH), Viện Hàn lâm KHCNVN.

Đây là một trong những hoạt động khoa học trong toàn VAST nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập. Với số lượng đại biểu lên đến 158 đại biểu đến từ 43 đơn vị khác nhau trong cả nước. Bao gồm các Viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu...

Sau thông báo lần thứ 1 của BTC ngày 15/4/2015, đến ngày 15/6/2015, Tiểu ban Công nghệ sinh học đã nhận được 73 bài báo cáo tóm tắt và có 20 báo cáo poster đăng ký trưng  bày tại HN. Sau khi thẩm định nội dung báo cáo tóm tắt, Hội đồng khoa học đã chọn ra được 51 bài có nội dung tốt đạt yêu cầu để viết bài toàn văn. Các bài toàn văn đã được các tác giả nộp trực tiếp (submit online) trên hệ thống của Tạp chí Sinh học để làm thủ tục đăng chính thức. Các báo cáo gửi đến Hội nghị có nội dung liên quan đến các lĩnh vực Công nghệ gen, protein, enzyme (20 bài), Công nghệ sinh học vi sinh (16 bài), Công nghệ tế bào thực vật (19 bài), Công nghệ tế bào động vật (02 bài), Công nghệ y dược (11 bài) và Công nghệ sinh học môi trường (5 bài). Tất cả các báo cáo tóm tắt hợp lệ đều được đăng trong Tuyển tập báo cáo tóm tắt của Hội nghị. Dựa trên sự đăng ký của tác giả, Tiểu ban CNSH đã chọn ra 13 báo cáo Hội trường trong đó có 04 báo cáo mời.  

Hội nghị khoa học đã diễn ra tốt đẹp và thành công. Đây là là một diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi và hợp tác đa ngành trong hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng về Công nghệ sinh học, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học cùng nhau tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến thực hiện chiến lược phát triển Công nghệ sinh học trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra các đại biểu còn tham gia hoạt động ngày mở cửa (Open days) và trưng bày sản phẩm khoa học của Viện Hàn lâm trong 03 ngày từ 7-9/10/2015.

Tổng kết một số kết quả nổi bật từ các báo cáo:

Báo cáo: Vai trò của dioxin receptor trong hệ thống miễn dịch-từ nghiên cứu trên động vật đến việc ứng dụng trên người. TS. Nguyễn Trung Nam - Viện Công nghệ sinh học.

Kết quả phân tích các mẫu bệnh nhiễm dioxin bằng kĩ thuật real-time PCR cho thấy sự biểu hiện của gen Ahr trong các mẫu bệnh nhân nhiễm dioxin gấp hơn 10 lần so với những người bình thường. Một số gen mã hóa cho các cytokine gây viêm như IL-1, IL-6 và TNF-α liên quan đến các bệnh lý viêm và tự miễn cũng tăng lên ở bệnh nhân nhiễm dioxin. Mối liên quan về phân tử giữa tăng biểu hiện của gen Ahr, các cytokine gây viêm và các bệnh lý trên người nhiễm dioxin đang được tìm hiểu thêm. Việc nghiên cứu sự thay đổi sự biểu hiện của gen Ahr trong máu của người bị nhiễm dioxin là hết sức cần thiết, sẽ góp phần vào việc đề xuất sử dụng Ahr như một chỉ thị phân tử cho việc nhiễm dioxin và làm cơ sở cho các nghiên cứu sâu hơn về cơ chế của Ahr liên quan đến các bệnh do dioxin gây ra.

Báo cáo: Giải mã, lắp ráp, chú giải và phân tích Hệ gen và Hệ Phiên mã của vi tảo biển biển dị dưỡng Schizochytrium mangrovei PQ6 của Việt Nam. TS. Nguyễn Cường - Viện Công nghệ sinh học

Các kết quả giải mã, lắp ráp, chú giải và phân tích Hệ gen cho thấy hệ gen cuối cùng của vi tảo biển biển dị dưỡng Schizochytrium mangrovei PQ6 của Việt Nam có kích thước là 59,29 Mb với 2601 contig, tổng số gen dự đoán là 4128 gene trong đó có 16 gen liên quan trực tiếp tới quá trình sinh tổng hợp axit béo. Ngoài ra, hệ gen ty thể của vi tảo cũng được phát hiện có kích thước là 31 kb với 40 gen. Kết quả chú giải chức năng Hệ Phiên mã cho thấy: 3.082 unigene thuộc “chu trình sinh học” (Biological Process), 3.585 unigene thuộc “chức năng sinh học” (Molecular Function) và 1.848 unigene thuộc “cơ quan tế bào” (Cellular Component). Ngoài ra, các enzyme quan trọng tham gia vào cả 03 con đường trao đổi chất tổng hợp axit béo PUFAs cũng đã được tìm thấy. Kết quả thu được không chỉ cung cấp được bức tranh tổng quát và cụ thể về hệ gen cũng như hệ phiên mã của S. mangrovei PQ6 mà còn cung cấp các công cụ để nghiên cứu sâu hơn về sinh học phân tử của chúng.

Báo cáo: Sinh khối rễ tơ- nguồn nguyên liệu sản xuất chế phẩm phục vụ sức khỏe cộng đồng. PGS. TS. Chu Hoàng Hà – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học

Trong nỗ lực nghiên cứu tạo dược phẩm tái tổ hợp từ sinh khối rễ tơ, việc sản xuất các kháng nguyên bề mặt HA của virus H5N1, interleukin – 7 và các protein ngọt như protein thaumatin, miraculin từ các dòng rễ tơ thuốc lá chuyển gen đã thành công. Đặc biệt hơn cả ở hệ thống nuôi cấy lỏng các dòng rễ tơ, chúng tôi đã thành công biểu hiện dược phẩm sinh học tái tổ hợp ra ngoài môi trường nuôi cấy giúp đơn giản hóa khâu tinh sạch các dược phẩm sinh học này.

Báo cáo: Phương pháp mới trong nghiên cứu và sản xuất thực phẩm chức năng từ nấm dược liệu: Nano hóa Curcumin bằng chất mang 1,3 Beta Glucan nhằm làm tăng khả năng hòa tan và tác dụng sinh học của sản phẩm.PGS. TS. Lê Mai Hương - Viện hóa học các Hợp chất thiên nhiên

Curcumin không chỉ được biết đến với công dụng liền sẹo, mau lành vết thương, giảm cân, phẩm màu thực phẩm, lưu thông và lọc máu mà các hoạt tính dược học và sinh học của curcumin ngày càng được nghiên cứu sâu hơn như các đặc tính chống oxi hóa, chống viêm, chống thoái hóa, chống thiếu máu cục bộ, chống ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy curcumin còn có khả năng kháng virus. Tuy nhiên, curcumin cấu trúc bình thường có độ hòa tan thấp, khó hấp thu trong cơ thể do vậy làm giảm hiệu quả sử dụng của chất này. Trongnghiên cứu này, độ hòa tan của nanocurcumin sau khi được bao bởi beta-1,3-glucans đã tăng 103 lần và hiệu quả ức chế hình thành khối u lên tới 20 lần. Phức chất Cur-Glu) tạo thành có kích thước hạt 50nm. Sản phẩm thực phẩm chức năng nanobioglucumin là kết quả của curcumin được bao bởi 1,3 beta glucan (phức Cur-Glu) có giá trị thực tiễn rất lớn trong hỗ trợ điều trị bệnh.

Báo cáo: Nhiên liệu sinh học từ vi tảo biển dị dưỡng của Việt Nam: biodiesel và tận thu các sản phẩm phụ (axit béo không bão hòa đa nối đôi –Pufas, glycerol và squalene) trong quá trình sản xuất biodiesel.PGS. TS. Đặng Diễm Hồng – Viện Công nghệ sinh học

Vi tảo gần đây được xem là nguồn nguyên liệu thế hệ thứ 3 đầy tiềm năng do chúng có nhiều lợi thế cho việc sản xuất diesel sinh học và góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm biến đổi khí hậu. Việc sản xuất các axít béo dạng methyl ester (FAME) từ vi tảo này đạt hiệu suất 88% so với dầu tảo và 44% so với sinh khối tảo. Kết quả kiểm tra phân đoạn SFAME đã chỉ ra rằng các chỉ số đều phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam đối với biodiesel B100.

Bên cạnh sản phẩm chính là biodiesel, một loạt các sản phẩm phụ có giá trị đi kèm bao gồm các axít béo không bão hòa đa nối đôi (PUFAs), glycerol và squalene cũng đã được khai thác. Các nghiên cứu nhằm sử dụng glycerol thải từ quá trình sản xuất biodiesel như nguồn cácbon để nuôi trồng S. mangrovei PQ6 và Spirulina platensis cũng đã được thực hiện. Các kết quả thu được đã cho thấy giá thành sản xuất biodiesel từ loài vi tảo này có thể giảm xuống khi chúng ta khai thác theo hướng tận thu các sản phẩm phụ có giá trị nói trên bên cạnh biodiesel.

Báo cáo: Tối ưu hóa các điều kiện ảnh hưởng tới quá trình tạo độ dai của protein myosin trong cơ cá để sản xuất chả cá sạch từ cá đỏ củ Pterocaesio digramma. Ths. Nguyễn Thu Hồng – Viện Hải Dương học

Tại nước ta, chả cá đang ở trong tình trạng nhiễm bẩn do người chế biến sử dụng những hóa chất và phụ gia độc hại như hàn the, urê và chloramphenicol để tạo độ dai nên rất có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Nguyên nhân của tình trạng này là qui trình chế biến còn phụ thuộc vào các hóa chất và phụ gia tạo dai bên ngoài mà chưa có nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao khả năng và hiệu quả của các protein tạo độ kết dính có sẵn trong cá. Trong nghiên cứu này nhóm tác giả đã áp dụng thành công qui trình sản xuất chả cá từ cá đỏ Củ Pterocaesio digramma (Bleeker, 1864) từ điều kiện đã được nghiên cứu  trên tạo nhiều loại sản phẩm chả cá sạch (100% là cá nguyên chất), không hàn the, phụ gia và hóa chất mà đảm bảo độ dai dòn theo thị hiếu của người tiêu dùng (phần trưng bày sản phẩm).

Một số hình ảnh hội nghị:

1

GS. TS. Trương Nam Hải- Trưởng tiểu ban CNSH, phát biểu tại hội nghị

2

Các báo cáo viên

3

4

Tuyển tập báo cáo Hội nghị khoa học

Tin bài: Thu Nguyệt

Ảnh: Lê Lâm