Thông tin luận án đưa lên mạng:NCS Phạm Thị Hằng, Mã số: 62 42 40 01

Tên đề tài: Nghiên cứu thành phần khu hệ vi sinh vật nhằm hạn chế tác hại của chúng trong nhiên liệu máy bay Jet A1

Chuyên ngành: Vi sinh vật học

Nghiên cứu sinh: Phạm Thị Hằng 

Cán bộ hướng dẫn:

PGS.TS. Lại Thúy Hiền

 PGS.TS. Trần Đình Mấn

Cơ sở đào tạo: Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Đã xác định được số lượng và tỷ lệ các nhóm vi sinh vật trong 50 mẫu nhiên liệu máy bay sử dụng ở Việt Nam. Vi khuẩn hiếu khí có mặt ở tất cả các mẫu với số lượng từ 0,2 x 101 đến 1,1 x 106 CFU/ml; nấm mốc từ 0,2 x 101 đến 6,3 x 102 CFU/ml; nấm men từ 0,2 x 101 đến 101 CFU/ml; vi sinh vật sử dụng nhiên liệu <101 đến 102 MPN/ml. Tỷ lệ các nhóm vi sinh vật trong nhiên liệu là: vi khuẩn chiếm 46,19 %; nấm mốc chiếm 43,33 %, xạ khuẩn chiếm 6,67 % và nấm men chiếm 3,38 %.

2. Các chi nấm mốc thường gặp trong nhiên liệu là Penicillium (55 %), Aspergillus (52,5 %), Cladosporium (22,5 %) và Curvularia (10 %).

3. Đã xác định được 14 loài vi khuẩn thường gặp phân lập được trong nhiên liệu máy bay là Bacillus flexus, Bacillus subtilis, Brevibacillus borstelensis, Sphingomonas paucimobilis, Dietzia sp., Pseudomonas sp., Brachybacterium sp., Sphingomonas pseudosanguinis, Brevibacterium casei, Acinetobacter johnsonii, Brachybacterium paraconglomeratum, Staphylococcus epidermidis và Serinococcus sp.

4. Bằng phương pháp DGGE, đã xác định được trong nhiên liệu có ít nhất 19 nhóm vi khuẩn khác nhau, cao hơn so với các phương pháp phân lập thông thường là 35,7 %. Trong đó có 4 nhóm ưu thế là Bacillus (87 %), Brevibacterium (83 %), Dietzia (78 %) và Acinetobacter (65 %).

5. Hai chi nấm mốc Penicillium, Aspergillus và hai chủng vi khuẩn Pseudomonas sp. F502.4, Dietzia sp. A343.4 có khả năng sinh trưởng tốt nhất trong nhiên liệu. Các sản phẩm trao đổi chất, đặc biệt là CHHBMSH của chủng Dietzia sp. A343.4 có ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và sử dụng nhiên liệu của các vi sinh vật khác.

 6. Điều kiện thích hợp tạo chất hoạt hóa bề mặt sinh học của chủng Dietzia sp.: pH từ 6,5 đến 7; nhiệt độ 28 0C; nồng độ NaCl từ 1 – 2 %; nguồn cacbon là dầu olive, Jet A1 và DO.

7. Phân tích GC – MS dự đoán cấu trúc của chất hoạt hóa bề mặt sinh học do chủng Dietzia sp. sinh tổng hợp gồm một vòng benzene, hai gốc COO và hai chuỗi hydrocarbon C12 đối xứng nhau.

8. Đưa ra các biện pháp hạn chế sự gây hại của vi sinh vật trong nhiên liệu bao gồm: kiểm soát chặt chẽ thành phần và số lượng vi sinh vật trong nhiên liệu; xả nước nghiêm ngặt theo quy trình; xử lý chất diệt khuẩn với liều lượng tối đa 270 ppm.