Thông tin luận án của NCS. Nguyễn Thị Tâm Thư

Tên đề tài luận án: "Nghiên cứu đa dạng quần xã vi khuẩn kỵ khí trong các lô xử lý chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học"

  • Chuyên ngành: Vi sinh vật học Mã số: 62 42 01 07
  • Họ và tên Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Tâm Thư
  • Họ và tên cán bộ hướng dẫn: PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà - Viện Công nghệ sinh học
  • TS. Đinh Thị Thu Hằng - Viện Công nghệ sinh học
  • Cơ sở đào tạo: Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Xem thêm thông tin tại: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.6&view=16597

 

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Đối với các mẫu đất và trầm tích nhiễm chất diệt cỏ/dioxin từ sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng, Việt Nam:

(a) lần đầu tiên ở Việt Nam đã phát hiện được cả 3 nhóm vi khuẩn hô hấp loại khử clo bao gồm loại khử clo bắt buộc (Dehalococcoides, Dehalogenimonas), loại khử clo không bắt buộc (Desulfovibrio, Desulfitobacterium, Desulfuromonas) và loại khử clo đồng trao đổi chất (Pseudomonas, Shewanella, Clostridium). Đã chứng minh được sự có mặt của cả ba nhóm vi khuẩn hiếu khí (Pseudomonas, Azotobacter...), kỵ khí tùy tiện (Vibrio, Klebsiella, Shewanella...) và kỵ khí bắt buộc (Bacteroides, Geobacter, Clostridium...) tham gia vào quá trình phân hủy và chuyển hóa các hợp chất là thành phần của chất diệt cỏ/dioxin trong mẫu làm giàu vi khuẩn trên nguồn ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin với độ độc rất cao.

(b) đã xác định được sự đa dạng vi khuẩn khử sulfate (VK KSF) trong các lô xử lý bằng phương pháp DGGE và các điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho quần xã VK KSF tại các lô xử lý của Đà Nẵng và Biên Hòa.

(c) đã xác định sự đa dạng Dehalococcoides (được xem là vi khuẩn phân hủy dioxin đóng vai trò quan trọng trong điều kiện kỵ khí bắt buộc) bằng phương pháp DGGE và làm giàu được VK này từ lô xử lý cũng như tại vị trí ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin.

2. Bằng công cụ Metagenomics đã xác định được ít nhất có 30/1883 gene chức năng mã hóa các enzyme tham gia phản ứng phân hủy các hợp chất vòng thơm.

3. Quần xã vi khuẩn kỵ khí hô hấp loại khử clo trong mẫu sau 1 năm làm giàu trên chất diệt cỏ/dioxin đã chuyển hóa và phân hủy được 55% tổng độ độc với nồng độ độc ban đầu là 41.265 pg TEQ/g đất, trong đó 2,3,7,8-TCDD và OCDD đã bị phân hủy 55% và 57,3%. Các hợp chất như 2,4,5-T, 2,4-DCP với nồng độ 100 ppm đã bị chuyển hóa 100% sau 12 tuần nuôi cấy bởi quần xã vi khuẩn kỵ khí hô hấp loại khử clo.

4. Chủng vi khuẩn khử sulfate BDN10T đã phân hủy trên 86% các hợp chất hữu cơ chứa clo (2,4,5-TCP, 2,4-DCP) và tạo ra các sản phẩm chuyển hóa trung gian như acid hữu cơ, các sản phẩm bị cắt vòng thơm sau 7 tháng.