Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (IBT, VAST) phối hợp với Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích (ICMP) vừa tổ chức thành công cuộc họp báo cáo tiến độ nửa năm dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao. Cuộc họp diễn ra vào ngày 20 tháng 11 năm 2024 tại Khách sạn Pan Pacific Hà Nội, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Viện Công nghệ sinh học (IBT), Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích (ICMP) và các cơ quan liên quan.
GS.TS Chu Hoàng Hà chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Giám định ADN (CDI) thuộc Viện Công nghệ Sinh học và đại diện Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích (ICMP) đã báo cáo kết quả khả quan trong việc triển khai dự án. Các nội dung chính bao gồm: 1. CDI cũng đã tiếp nhận thành công chuyển giao và cùng tối ưu hóa 2 phương pháp tách chiết ADN tiên tiến (30K và Dabney) từ ICMP. CDI đã triển khai thành công các phương pháp này trên 100 mẫu xương hài cốt với kết quả là 70% các mẫu thu được ADN nhân đủ tiêu chuẩn để phân tích; 2. ICMP đã lựa chọn được bộ chỉ thị để giải trình tự ADN thế hệ mới là FORCE Panel (Mỹ) và đồng thời lựa chọn được bộ hoá chất giải trình tự phù hợp là QIAseq tới từ công ty QIAGEN (Hà Lan) để tiến hành các công việc tại Việt Nam; 3. CDI đã tiếp nhận thành công máy giải trình tự gen thế hệ mới NextSeq 1000 (Illumina, Mỹ), một thiết bị hiện đại với khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu di truyền, và hệ thống máy chủ NGS-CLC workbench (Hà Lan) cho phép tính toán hiệu năng cao và đang tiến hành các bước vận hành thử nghiệm tại CDI; 4. ICMP đã xây dựng bộ phần mềm phân tích dành riêng cho Việt Nam và đang tiến hành chạy thử tại CDI.
GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn và khoa học của dự án. Ông khẳng định dự án đang góp phần giải quyết những tồn tại và khắc phục hậu quả chiến tranh, bên cạnh đó nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực giám định di truyền. GS.TS Chu Hoàng Hà cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của dự án, đặc biệt là việc xây dựng thành công quy trình tách chiết và giải trình tự ADN phù hợp với điều kiện mẫu xương bị phân hủy mạnh tại Việt Nam, cũng như việc đào tạo các cán bộ chuyên môn cho phía Việt Nam.
Máy giải trình tự gen thế hệ mới NextSeq 1000 (Illumina) được tiếp nhận và vận hành thành công tại Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ Sinh học (CDI, IBT)
Cuộc họp cũng dành thời gian cho các phiên thảo luận sôi nổi về các vấn đề quan trọng như lựa chọn mẫu giám định, thu thập mẫu thân nhân, và chiến lược khớp nối dữ liệu. Đại diện USAID, bà Marialice Ariens, khẳng định phía Mỹ đánh giá cao các kết quả đạt được, đề cao trách nhiệm khắc phục hậu quả chiến tranh và tăng cường hiểu biết sâu rộng của hai bên trong khuôn khổ mối quan hệ đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Bà cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ dự án trong thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
Dự án ODA nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao đang được triển khai đúng tiến độ và đạt được những kết quả tích cực.
Cung cấp tin: Minh Phương – Viện Công nghệ sinh học
Xử lý tin: Minh Tâm