4 Công trình đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được bắt đầu từ năm 2016, với mục đích tôn vinh các nhà khoa học có thành tích xuất sắc về khoa học tự nhiên và công nghệ; trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường, an ninh - quốc phòng của đất nước.

Ngày 13/5/2019, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố 4 công trình được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. Chi tiết 4 công trình được nhận Giải như sau:

Công trình 1: Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam của tập thể các giả: GS.TS. Lê Trần Bình, PGS.TS. Đinh Duy Kháng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KHCNVN; TS. Trần Xuân Hạnh, Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vào cuối năm 2003, đầu năm 2004, đại dịch cúm gia cầm xảy ra ở các nước trong khu vực mà Việt Nam là điểm nóng. Hàng triệu gia cầm bị chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng; nhiều trường hợp cúm gia cầm A/H5N1 lây sang người với triệu chứng lâm sàng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Trước thực trạng trên, từ đề kết quả của đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 cho gia cầm" giai đoạn 2006-2008, GS.TS. Lê Trần Bình, và PGS.TS. Đinh Duy Kháng Viện công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kết hợp với TS. Trần Xuân Hạnh, Công ty cổ phần thuốc Thú y trung ương (NAVETCO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai sản xuất vắc xin để dập tắt dịch bệnh này.

 

congtrinh3


Ý nghĩa khoa học của công trình thể hiện ở: Đề tài đã di truyền ngược đNIBRG-14 từ chủng gốc A/Vietnam/1194/2004(H5N1) và nhân lên trong trứng gà có phôi SPF chuẩn.

Vắc xin do công trình điều chế được đã vượt qua các chỉ tiêu kỹ thuật Quốc tế gồm: i) đặc tính di truyền và trình tự các gen liên quan tới độc lực và tính kháng nguyên của virut; ii) khả năng nhân lên của virut trong trứng gà có phôi (chỉ số EID50), iii) khả năng ngưng kết hồng cầu của virut (hiệu giá HA) và iv) độ tinh sạch của chủng gốc được kiểm tra trên tất cả các chủng virut ngoại lai, vi khuẩn, nấm men và nấm mốc.

Công trình đã thành công ở các nội dung: i) Nghiên cứu khả năng nhân lên của virus và tính ổn định khi gây nhiễm cho trứng gà có phôi trong điều kiện sản xuất; ii) xác định được liều gây miễn dịch thích hợp làm cơ sở để phối trộn vắc xin; iii) Xác định công thức phối trộn giữa kháng nguyên và dầu khoáng để đảm bảo tính ổn định của vắc xin; iv) Đánh giá tính an toàn của vắc xin, đảm bảo không bỏ sót virus độc lực, không tạp nhiễm các tác nhân gây bệnh ngoại lai; v) đánh giá tính hiệu lực của vắc xin, vi) Xác định độ dài miễn dịch và độ dài đảm bảo; vii) và các kết quả thu được trên tiến hành xây dựng quy trình tiêm chủng và quy trình bảo quản vắc xin để đảm bảo tính hiệu quả trong phòng chống bệnh và tính kinh tế của vắc xin.

congtrinh1


Sau khi có được chủng giống đạt chuẩn công trình đã nghiên cứu thành công quy trình đảm bảo và lưu giữ chủng giống lâu dài cho công việc sản xuất vắc xin. Từ quy mô phòng thí nghiệm với vài chục ngàn liều đến được nâng lên quy mô pilot vài trăm ngàn liều và mở rộng ra quy mô công nghiệp vài triệu liều.

Sau 5 năm nghiên cứu, vắc xin cúm gia cầm H5N1 đã được sản xuất thành công và được kiểm định chất lượng bởi Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y, Cục Thú y và Trung tâm kiểm nghiệm vắc xin, Australia. Đây là vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu và được công ty NANETCO sản xuất với tên thương phẩm NAVET-VIFLUVAC và được đánh giá có chất lượng tốt thể hiện ở các mặt:

1) Vắc xin có tính phổ rộng;
2) Chất lượng nhũ ổn định sau sản xuất cũng như trong suốt thời gian bảo quản;
3) Độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài ít nhất được 6 tháng;
4) Độ dài bảo quản kéo dài ít nhất 18 tháng,
5) Dễ áp dụng và dễ sử dụng trong thực tế sản xuất, dễ dàng sản xuất được quy mô lớn và đáp ứng được nhu cầu với số lượng lớn vắc xin.

congtrinh2

 

Công trình "Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam" do Viện Công nghệ sinh học Viện Hàn lâm KHCNVN chủ trì giai đoạn 2006-2008 là công trình đầu tiên nghiên cứu thành công vắc xin cúm gia cầm H5N1 và đã áp dụng thành công vào sản xuất ở quy mô công nghiệp. Công ty NAVETCO là công ty duy nhất được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Thú y cấp phép sản xuất, lưu hành vào năm 2012 và từ đó đến nay, hàng trăm triệu liều vắc xin cúm NAVET-VFLUVAC đã được sản xuất, góp phần quan trọng trong việc phòng chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi sản xuất gia cầm của Việt Nam phát triển an toàn và bền vững.

Công trình 2: Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm của tập thể tác giả: TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm KHCNVN; PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KHCNVN; TS. Lê Văn Thụ, Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công An.

Công trình này là kết qủa của dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong an ninh – quốc phòng" do Trung tâm Phát triển công nghệ cao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Công trình gồm 2 hợp phần:

Hợp phần 1: "Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, ứng dụng trong sản xuất các thiết bị, dụng cụ đặc chủng trang bị cho người lính" do TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm KHCNVN làm chủ nhiệm và TS. Lê Văn Thụ, Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công An làm đồng chủ nhiệm. Hợp phần đã nghiên cứu và chế tạo thành công những hệ vật liệu gồm: 1) Vật liệu polymenanocompozit trên cơ sở vật liệu nhựa (PA6, HDPE,...) với vật liệu nano (ống cacbon nano, nanoclay, hạt nano MgO, TiO2...); 2) Vật liệu nanocompozit trên cơ sở vải sợi (sợi cacbon, sợi aramid, sợi UHMWPE...), nhựa nền (epoxy, phenolformandehit, poly vinyl butiral..) với vật liệu nano (ống cacbon nano, nanoclay, hạt nano MgO, TiO2...); 3) Gốm oxit nhôm mật độ cao tăng bền bằng vật liệu nano (nanoclay, hạt nano MgO, TiO2...).

Có thể nói hợp phần một đã làm chủ quy trình chế tạo vật liệu có đặc tính vật lý, cơ học như: nhẹ, độ bền cơ học cao, dẻo... đảm bảo để xuất xuất các thiết bị đặc chủng. Việc làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu có tính năng đặc biệt này đã mở ra hướng sản xuất các sản phẩm chống va đập, chống đạn mới, phục vụ an ninh quốc phòng và sản xuất các thiết bị đặc chủng bao gồm: áo phao chống đạn súng ngắn K54, áo phao chống đạn súng tiểu liên AK47, tấm chống đạn súng bắn tỉa đạt tiêu chuẩn chống đạn NIJ 01.01.06 của Mỹ; mũ bảo hiểm chống va đập; bộ ốp bảo vệ tay chống va đập; bộ ốp mềm bảo vệ chân, tấm chống đạn súng tiểu liên AK47. Các sản phẩm sử dụng vật liệu mới đã giảm được khối lượng xuống chỉ còn từ 80 đến 85% so với sản phẩm của nước ngoài mà tính năng chống đạn, chống va đập vẫn không thay đổi. Toàn bộ các sản phẩm đã được thử nghiệm khả năng chống đạn trên thực tế bằng bắn đạn thật theo tiêu chuẩn.Các sản phẩm của hợp phần đã được đăng ký tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực an ninh và thiết lập thành các quy trình công nghệ sản xuất với quy mô bán công nghiệp, có thể ứng dụng trong thực tế.

congtrinhdatgiaitdn
Kiểm tra các sản phẩm của hợp phần 1

Hợp phần 2: "Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim vônfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự" do PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCNVN làm chủ nhiệm. Hợp phần hai đã chế tạo được vật liệu với đặc điểm, tính chất để sản xuất được Đạn xuyên động năng. Đạn xuyên động năng là thế hệ đạn thứ hai thay thế cho đạn nổ. Vấn đề khoa học đặt ra là chế tạo được vật liệu có tỉ trọng lớn, độ bền cơ học, vật lý cao làm tiền đề cho chế tạo đạn xuyên động năng. Công trình đã chế tạo thành công vật liệu hợp kim WC-Ni có đặc điểm kỹ thuật về tỷ trọng, độ bền, độ dai, độ cứng và độ đồng đều đạt theo yêu cầu chế tạo Đạn xuyên động năng. Từ vật liệu này, các đơn vị phối hợp đã sản xuất đạn xuyên động năng pháo 85mm. Kết quả bắn thử nghiệm cho thấy, đạn xuyên động năng pháo 85mm đã đạt được các yêu cầu về độ xuyên thép, cũng như các yêu cầu kỹ thuật khác.

congtrinhdatgiaitdn1

Lõi đạn xuyên 85 mm hoàn chỉnh.

congtrinhdatgiaitdn2

Ảnh bia bắn thử nghiệm (a) và chiều dày của bia (b).

congtrinhdatgiaitdn3
Ảnh thử nghiệm bắn xuyên thép a) mặt trước; b) mặt sau.

Đây là lần đầu tiên ở nước ta đã chế tạo thành công đạn xuyên động năng chống xe tăng và xe thiết giáp. Kết quả nghiên cứu đang được Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục ứng dụng để chế tạo các loại đạn chống tăng cho pháo lớn hơn như pháo 100mm và 125 mm với chiều sâu xuyên và uy lực lớn hơn.

Có thể khẳng định, công trình "Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm" là kết quả của một tập thể tác giả với tinh thần nghiên cứu khoa học và thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng, đến từ Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hóa học Viện Hàn lâm KHCNVN; Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và tài liệu nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an; Viện Công nghệ nghệ, Viện vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng; Viện Hóa học - Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng.

Công trình 3: Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế của tập thể tác giả: PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên, Viện Công nghệ Môi trường, KSC. Mai Trọng Chính, Viện Hàn lâm KHCNVN; NCVCC.TS. Nguyễn Thế Đồng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường.

Trước thực trạng nhu cầu xử lý chất thải nguy hại tăng cao ở Việt Nam. Viện Công nghệ môi trường đã nghiên cứu thành công và đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới vào xử lý chất thải nguy hại trong điều kiện Việt Nam. Từ nhiều hướng nghiên cứu, nhóm đã chọn ra các công nghệ gồm: đốt chất thải rắn độc hại; lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên; chế tạo Vật liệu mang vi sinh vật dùng để xử lý nước thải; chế tạo vật liệu hấp thu trong xử lý khí thải để chế tạo các thiết bị xử lý chất thải nguy hại.

Các hệ thiết bị đang hoạt động tại các cơ sở như:
- Hệ thống lò đốt chất thải rắn VHI-18B công suất 10-20kg/h tại Bệnh viện Lao Thái Nguyên, năm 2008 ;
- Hệ thống lò đốt chất thải rắn VHI-18B công suất 20kg/h tại Bệnh viện C Thái Nguyên và Hệ thống xử lý nước thải IET-BF công suất 360 m3/ngày đêm tại Bệnh viện C Thái Nguyên, năm 2009;
- Hệ thống xử lý nước thải IET-BF công suất 200-250m3/ngày và 300m3/ngày tại Trạm xử lý nước thải Công ty giống bò sữa Mộc Châu, Sơn La, năm 2003 và 2009;
- Hệ thống xử lý nước thải IET-BF công suất 130m3/ngày đêm tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Hưng Yên, năm 2009;
- Hệ thống xử lý nước thải IET-BF công suất 130m3/ngày đêm tại Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, năm 2010;
- Hệ thống xử lý nước thải IET-BF công suất 320m3/ngày đêm tại Nhà máy sữa Hà Nội - năm 2011;
- Hệ thống lò đốt chất thải rắn VHI-18B công suất 20kg/h tại Liên hiệp xử lý chất thải rắn thủ đô Vienchan, Lào và Hệ thống lò đốt CTR VHI-18B công suất 10kg/h tại Bệnh viện Luang Prabang, Lào, năm 2012;
- Hệ thống xử lý nước IET-BF công suất 130m3/ngày tại Bệnh viện Quân Dân Y tỉnh Đồng Tháp năm 2012;
- Hệ thống xử lý nước thải IET-BF công suất 130m3/ngày và Hệ thống xử lý CTR VHI-18B công suất 20kg/h tại Bảy cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp năm 2015;
- Hệ thống lò đốt chất thải rắn VHI-18B công suất 30kg/h tại Bệnh viện Đa khoa Yên Châu tỉnh Sơn La, năm 2018;
- Hệ thống lò đốt chất thải rắn VHI-18B công suất 30kg/h tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La, năm 2018;
- Hệ thống lò đốt chất thải rắn VHI-18B công suất 30kg/h tại Bệnh viện 71 TW Thanh Hóa, năm 2018.

congtrinhdatgiaitdn4

Hệ thống xử lý nước thải IET-BF

congtrinhdatgiaitdn5

Sơ đồ công nghệ Hệ thống xử lý nước thải IET-BF


Các Hệ thiết bị của công trình hiện tại đang vận hành ổn định tại các cơ sở nêu trên. Có thể khẳng định, Công nghệ VHI-18B và IET-BF đang được ứng dụng hiệu quả trong xử lý chất thải y tế và công nghiệp ở nước ta hiện nay đã góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí xử lý.

congtrinhdatgiaitdn6

Hệ thiết bị Lò đốt chất thải rắn VHI-18B

congtrinhdatgiaitdn7

Sơ đồ công nghệ Hệ thiết bị Lò đốt chất thải rắn VHI-18B


Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả đã được nhiều bằng sáng chế gồm:
- Bằng độc quyền sáng chế số 4271theo quyết định số A1734/QĐ-ĐK ngày 27/4/2004 của Cục Sở hữu trí tuệ cho "Lò đốt chất thải rắn độc hại"
- Bằng độc quyền sáng chế số 11841 theo Quyết định số 54205/QĐ-SHTT ngày 30-9-2013 của Cục Sở hữu trí tuệ cho "Tháp lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên, hệ thống và phương pháp xử lý nước thải nhờ sử dụng tháp lọc này";
- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1580 theo QĐ số 68990/QĐ-SHTT ngày 3/10/2017 "Vật liệu mang vi sinh vật dùng để xử lý nước thải";

Công trình 4: Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long của GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng, tuy nhiên tình trạng giá lúa thấp, đầu ra không ổn định đang là những thiệt thòi rất lớn đối với nông dân sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Về chất lượng, các sản phẩm gạo của Việt Nam không thua kém gì các sản phẩm gạo có thương hiệu của các nước nhưng giá bán của chúng ta lại thấp hơn rất nhiều do khâu sản xuất và công nghệ sản xuất hạt giống chưa đồng đều.

Đồng bằng sống Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vựa lúa của cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước nhưng do địa hình thấp,nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, tiếp giáp với biển nên ĐBSCL phải chịu rất nhiều tác động từ thiên nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu toàn cầu và sự thay đổi lưu lượng dòng chảy của sông Mê Kông.

congtrinhdatgiaitdn8


Nhận thấy được những vướng mắc đang gặp phải công trình: "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long" của GS. TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện và xuất sắc trở thành 1 trong 4 công trình đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.

GS.TS. Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, nhờ có thành tích đặc biệt trong việc lai tạo thành công hàng chục giống lúa có khả năng chịu mặn, chống chịu một số loại bệnh chính (rầy nâu, vàng lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn), năng suất, chất lượng cao.

Sau 15 năm thực hiện nghiên cứu với 3 giai đoạn 2016-2011; 2011-2015; 2015-2019 công trình đã góp phần đảm bảo an ninh nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Từ thành công đã đạt được trong những giai đoạn trước của công trình, tác giả cùng nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống lúa có tính kháng đối với nhiều loại côn trùng, nhiều loại bệnh, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng chống khô hạn, chịu được khí hậu nóng, khả năng chịu mặn tốt góp phần thích ứng với những biến đổi của khí hậu.

congtrinhdatgiaitdn9

7 giống lúa được đánh giá cao về xuất khẩu và chịu mặn cho ĐBSCL

Đặc biệt công trình đã tạo ra giống lúa mới mang tên AS996 (còn có tên là OM2424) với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu, phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao... Sau thành công của giống lúa AS99 (OM2424), hàng chục giống lúa chịu mặn, mang họ "OM" tiếp tục ra đời như: OM4498, OM5930, OM4900, OM6073... Cái tên "OM" được viết tắt theo địa danh Ô Môn, nơi đặt trụ sở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả của công trình nghiên cứu chế tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa Quốc gia.

congtrinhdatgiaitdn10

congtrinhdatgiaitdn11

Hình ảnh đi thực địa của nhóm nghiên cứu

Nguồn: http://vast.ac.vn