Hành hương chiêm bái Hải Phòng

Phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Á Đông nói chung, đặc biệt là những nước ảnh hưởng bởi khí hậu 4 mùa. Người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh.
Ngày 22 tháng 02 năm 2012, được sự đồng ý của Ban lãnh đạo Viện, Ban chấp hành Công đoàn Viện đã tổ chức chuyến du xuân về Hải phòng. Đoàn gồm 150 đoàn viên đến từ các phòng ban của Viện tham gia vui vẻ, nhiệt tình và cả sự háo hức của những bạn trẻ được lần đầu về với Phật ở thành phố cảng. Điểm đến đầu tiên trong hành trình là Chùa Đỏ. Ngôi chùa cổ Linh Độ Tự - tên thường gọi là chùa Đỏ - xưa thuộc xã Đông Khê huyện An Dương phủ Kinh Môn Đạo, Hải Dương, toạ lạc trên khu bãi bồi này thường khi có thấy người chết trôi dạt vào. Quan nha khám nghiệm tử thi bắt dân sở tại phải phục dịch và hay hạch sách phiền nhiễu dân làng nhiều.
Do đó người ta nhường khu bãi bồi ấy cho Đông Khê, xã đầu tổng lại có nhiều người đậu đạt làm quan không sợ bị hạch sách, dân làng dựng một ngôi chùa nhỏ ở khu gò cao gần bờ sông thờ Phât, cầu Như Lai độ cho linh hồn những người xấu số. Cô hồn từ đó có nơi nương tựa, chùa nổi tiếng linh ứng. Tên Linh Độ có xuất xứ từ đó. Tuy nhiên Chùa còn có tên gọi dân dã là chùa Đỏ. Chùa vốn là nơi am thanh cảnh vắng, khi đội hoả đầu quân đến đóng, bếp luôn đỏ lửa. Do đó có thêm tên dân dã để nhớ đến kỷ niệm ngày Đức Thánh Trần trú quân ở đây. Ngày nay, Chùa Đỏ toạ lạc ở phố Lê Lai, thành phố Hải Phòng với pho tượng Phật bằng gỗ mít lớn nhất Việt Nam. Cả đoàn đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp uy nghi của chùa, và thành kính trước đức Phật với ước nguyện cho riêng mình.
newanhtin2 
Ngôi chùa cổ Linh Độ Tự (Chùa Đỏ) - Hải Phòng

Điểm dừng chân tiếp theo là Đền Bà Đế, một ngôi đền nằm ở chân núi Độc, Quận Đồ Sơn. Đây là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng, đền có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo. Khách thập phương cùng đoàn viên công đoàn Viện tấp nập trẩy hội đền Bà Ðế, người ta đến để xin tài, xin lộc và đặc biệt cùng bà giải mọi nỗi oan khuất mà mình gặp phải.

newanh2
Tập thể cán bộ Viện Công nghệ sinh học trước Đền Bà Đế

Sau khi dùng bữa trưa và tham quan cảnh đẹp tại khu resort Hòn Dấu, các đoàn viên lại tiếp tục cuộc hành trình sang đảo Hòn Dấu. Nhắc đến địa danh Hòn Dấu đã có rất nhiều lời ngợi ca. Khách du lịch ví đó là một viên ngọc quí mà tạo hóa ban tặng cho Hải Phòng. Có người thì cho rằng, đây là thiên đường nơi hạ giới bởi vẻ đẹp của chốn tiên cảnh bồng lai. Đến hòn dấu khách du lịch không chỉ được chiêm ngưỡng nét cổ kính trong các kiến trúc của đảo Hòn Dấu mà còn được khám phá nét mới của khu du lịch Hòn Dấu Resort. Đảo Hòn Dấu chỉ cách đất liền chừng 20 phút đi thuyền. Nét hoang sơ, tĩnh mịch nơi đây được lưu giữ gần như nguyên vẹn bởi những truyền thuyết kỳ thú. Từ bến Nghiêng, bất cứ khi nào du khách cũng có thể lên thuyền ra đảo. Đặt chân lên đảo Hòn Dấu, cả đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mà tạo hóa ban cho đảo, lòng thành tâm thắp nén nhang tại Đền thờ Nam Hải Thần Vương. Đây là ngôi đền đã có từ rất lâu đời, nay mới được người dân tại Đồ Sơn sửa chữa mới. Vẻ đẹp và sự linh thiêng của đền được tôn lên nhờ những cây si bao phủ, ở bên dưới là bãi sỏi uốn lượn che chắn vững chắc. Một điều thú vị khi đặt chân lên đảo là sự háo hức của các ban trẻ muốn khám phá ngọn đèn Hải Đăng Hòn Dấu. Cây đèn biển hơn trăm tuổi mệnh danh là mắt ngọc của tổ quốc lại là một nét nhìn mới lạ khác với khách du lịch. Đèn Hòn Dấu được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 - 1896. Tháng 6-1898, đèn chính thức hoạt động. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đèn đã bị thả bom nhiều lần nên hư hại nặng. Đèn cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo và trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 40km. Cảm giác khi đứng trên độ cao hàng chục mét mà đón cơn gió căng tràn sức sống của biển thật sảng khoái, vời vợi. Đoàn chúng tôi cũng cùng chung cảm giác với bao du khách đã qua đây, thật hạnh phúc và khoan khoái.

newanh3
Trên ngọn đèn Hải Đăng Hòn Dấu

Chia tay đảo Hòn Dáu với tâm trang lưu luyến, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình về Đền Cô Chín, đền thờ cô Chín Suối Rồng nơi có dòng suối mát trong mà linh thiêng.


Điểm cuối cùng của chuyến hành hương, chúng tôi quay trở về Thành phố Hải Phòng để đến với Chùa Hải Ninh. Chùa tọa lạc ở xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải, nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Chùa vốn được xây dựng vào thời Hậu Lê trên đất Kinh Bắc. Năm 1931, nhân dân quyên tiền cúng vào hội Đồng Thiện để dời chùa về địa điểm hiện nay, nên chùa thường được gọi là chùa Đồng Thiện. Ở sân chùa, có hai ngọn tháp ghi 40 bức ký họa về thời kỳ mới xây dựng thành phố Hải Phòng. Ni sư trụ trì Diệu Tâm đã cho tổ chức đại trùng tu ngôi chùa, hoàn thành vào năm 1995. Chùa là một danh lam của thành phố Hải Phòng ngày nay, vì vậy mà du khách thập phương khó có thể bỏ qua chốn tâm linh này.

17h chiều cùng ngày, chuyến du xuân về chốn tâm linh của đoàn viên công đoàn Viện đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Hàng năm, việc du xuân cho các đoàn viên công đoàn Viện Công nghệ sinh học đều mang những ý nghĩa đặc biệt. Đây chính là dịp để mọi người được tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, cội nguồn dân tộc, phong tục tập quán các địa phương, đồng thời tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa đoàn viên công đoàn trong toàn Viện. Kết thúc chuyến du xuân ai nấy đều mang trong lòng một cảm giác lâng lâng, hạnh phúc.

Tin bài: BCH Công đoàn