Phòng Công nghệ tế bào động vật

  • Tên phòng: Phòng Công nghệ tế bào động vật (Animal Cell Biotechnology Laboratory)
  • Địa chỉ: Phòng 406, 407, Nhà B4, Viện Công nghệ Sinh học, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Trưởng phòng: TS. Lã Thị Huyền
  • Điện thoại: 024 37563386/ 0982141298    Fax: 024 38363144
  • E-mail: lthuyen@ibt.ac.vn

Phòng công nghệ tế bào động vật (CNTBĐV) được thành lập năm 1993 do PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu làm trưởng phòng (1993-2002). Năm 2002 PGS.TS. Lê Quang Huấn chuyển về phòng và làm trưởng phòng giai đoạn 2002-2016. Trong khoảng thời gian 2002-2016, phòng thực hiện nhiều đề tài tập trung một số hướng nghiên cứu chính bao gồm (i) xây dựng và ứng dụng công nghệ giám định gen để định danh cá thể, (ii) sàng lọc và sản xuất các kháng thể đơn dòng tái tổ hợp đặc hiệu kháng nguyên ung thư, (iii) tạo hệ dẫn thuốc nano hướng đích tế bào ung thư, (iv) sàng lọc các loại thuốc từ cây dược liệu, khảo sát cơ chế tác động của một số loại thảo dược trên một số dòng tế bào ung thư, nghiên cứu sản xuất các loại thuốc giảm đau và thuốc hỗ trợ điều trị ung thư. Số lượng nhân viên ngày càng tăng trưởng, do đó năm 2009, một nhóm nghiên cứu của phòng thành lập ra Tổ Thử nghiệm sinh học nay là Phòng Thử nghiệm sinh học. Năm 2015, mảng giám định gen được tách ra thành lập Trung tâm giám định ADN.

Từ 2016 đến nay phòng CNTBĐV do TS. Lã Thị Huyền làm trưởng phòng. Giai đoạn này, phòng luôn bám sát chức năng nhiệm vụ và mở rộng triển khai thêm các nghiên cứu khác nhau nhằm hướng tới ứng dụng các kháng thể, các dược chất,... vào sản xuất các loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh cho người: 1) Nghiên cứu áp dụng liệu pháp miễn dịch vào điều trị ung thư, cụ thể tạo các tế bào lympho khảm thụ thể CAR-T mang các kháng thể đơn chuỗi ứng dụng trong điều trị ung thư, nghiên cứu đánh giá thử nghiệm các chất có khả năng tăng cường miễn dịch,... 2) sàng lọc các peptide từ tự nhiên, sản xuất tái tổ hợp các peptide này và ứng dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, thay thế các kháng sinh, 3) Nghiên cứu sàng lọc các dược chất sản xuất các thuốc hỗ trợ diệt virus (sản phẩm VIPDERVIR), sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hỗ trợ điều trị ung thư;... tiếp tục và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc hỗ trợ điều trị covid VIPDERVIR, thuốc cai nghiện BUHUDO.

Gần đây, Phòng mở rộng thêm hướng tạo các tế bào động vật chuyển gen: ví dụ như các tế bào CALUX, CAFLUX,... ứng dụng trong sàng lọc Dioxin và các dẫn xuất, và là các công cụ sàng lọc thuốc, nghiên cứu con đường tác động của thuốc, dược chất cũng như ảnh hưởng của các yếu tố nội tiết hay các tác nhân gây bệnh ở mức độ tế bào; đánh giá tác động của các hạt vi nhựa lên tế bào. Hiện nay, Phòng CNTBĐV có 8 thành viên bao gồm 3 TS; 3 Ths và 2 CN.

Lãnh đạo qua các thời kỳ 
 
1993 – 2002       Trưởng phòng            PGS.TS. Đỗ Khắc Hiếu
2002 – 2016 Trưởng phòng  PGS.TS. Lê Quang Huấn
2016 – nay Trưởng phòng  TS. Lã Thị Huyền
 
Chức năng, nhiệm vụ của Phòng

Theo quyết định thành lập phòng số 13/CNSH-QĐ ngày 08/07/1993 của Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Phòng CNTBĐV có chức năng nhiệm vụ như sau:
  • Nghiên cứu phát triển hệ thống tế bào động vật nuôi cấy phục vụ công tác xét nghiệm (các dược chất, các yếu tố nội tiết) vật nuôi cấy;
  • Ứng dụng và triển khai kỹ thuật nuôi cấy tế bào động vật, sản xuất kháng thể đơn dòng và liệu pháp điều trị ung thư dùng tế bào miễn dịch;
  • Tham gia công tác đào tạo cán bộ trên lĩnh vực công nghệ tế bào động vật và nội tiết học.

Thời gian gần đây, dưới sự lãnh đạo của Viện Công nghệ sinh học, phòng Công nghệ tế bào động vật xây dựng lại chức năng nhiệm vụ như sau:

  • Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực tế bào người và động vật phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người và vật nuôi;
  • Phối hợp triển khai ứng dụng các thành phần khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ tế bào người và động vật vào sản xuất và phục vụ cuộc sống;
  • Tham gia đào tạo trên lĩnh vực công nghệ tế bào người và tế bào động vật

Đào tạo

Trong giai đoạn 2013-2023, phòng đã và đang đào tạo 9 NCS, 5Ths, 20 CN đã bảo vệ thành công. Các NCS, thạc sỹ, cử nhân thuộc các cơ quan, các trường Đại học Khoa học như: Học viện khoa học công nghệ, Trường Đại học công nghệ, Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Mở Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam....