Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ 20, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã đầu tư vào nghiên cứu và triển khai (R&D) các ứng dụng về Tin sinh học. Tuy vậy, mãi đến thập niên 10 của thế kỷ 21 Tin sinh học mới bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam và chỉ có một số nhóm nhỏ nghiên cứu về lĩnh vực này cũng như chưa có đơn vị chính thức đầu tư nghiên cứu về Tin sinh học một cách bài bản. Trong khi đó, Tin sinh học đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường. Theo Diễn đàn Kinh tế thể giới 2016 và cuốn sách "The Fourth Industrial Revolution" của GS. Klaus Schwab, thì Tin sinh học là một trong 10 công nghệ nền tảng thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (tiếng Đức Industrie 4.0). Cuộc cách mạng này đang diễn ra mãnh mẽ và làm thay đổi nền sản xuất trên toàn cầu. Đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực – ảo (CPS), Internet kết nối vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), qua đó làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực Vật lý – Kỹ thuật số – Sinh học. Theo xu hướng này cùng với sự phát triển không ngừng của Viện Công nghệ sinh học, nhu cầu ứng dụng Tin sinh học trong các lĩnh vực nghiên cứu và triển khai của Viện ngày càng trở nên cấp thiết.
Do đó, để nắm bắt và theo kịp xu hướng này, ngày 28/06/2013, Phòng Tin sinh học đã được thành lập với sứ mệnh chính là nghiên cứu ứng dụng Tin sinh học trong phân tích và khai thác các dữ liệu sinh học (DNA, RNA, Protein); nghiên cứu cấu trúc, chức năng và tương tác của các phân tử sinh học; phát triển bộ công cụ và phần mềm cho nghiên cứu sinh học; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chuyên ngành Tin sinh học; hợp tác khoa học với các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong nước và quốc tế. Đến năm 2023, phòng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ trong nghiên cứu và ứng dữ liệu lớn (Big Data) và tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho nghiên cứu y-sinh học.
Trong những năm đầu thành lập, Phòng có 07 thành viên, trong đó có 03 thành viên cơ hữu, 02 cán bộ hợp đồng, 02 cố vấn và do TS. Nguyễn Cường làm trưởng phòng. Từ cuối năm 2017, Phòng có nhiều thay đổi về mặt nhân sự khi các thành viên đều chuyển công tác. Bắt đầu từ tháng 5 năm 2018, TS. Bùi Văn Ngọc, Phó giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gen, được điều chuyển theo quyết định của Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học về phụ trách Phòng Tin sinh học và làm trưởng phòng hiện nay. Tại thời điểm hiện tại, Phòng Tin sinh học có 07 cán bộ cơ hữu, trong đó có 04 cán bộ biên chế và 03 cán bộ hợp đồng, cùng với cố vấn là GS. Chu Hoàng Hà và 02 cộng tác viên từ các đơn vị ngoài Viện.
Lãnh đạo phòng qua các thời kỳ
2013 - 2017 | Trưởng phòng | TS. Nguyễn Cường |
2018 - nay | Trưởng phòng | TS. Bùi Văn Ngọc |
Chức năng, nhiệm vụ của Phòng
Đào tạo
Đang đào tạo 01 Nghiên cứu sinh, 05 Thạc sĩ và 20 Cử nhân đã tốt nghiệp. Ngoài ra, Phòng còn tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức về Tin sinh học cho các cán bộ, nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện.
Hợp tác
Hợp tác quốc tế
Hợp tác với các chuyên gia của IRD, CNRS (Pháp) về Tin sinh học và ứng dụng trong nghiên cứu hệ gen vi sinh vật, metagenomics. Tham gia các khoá học chuyên đề về hệ sinh thái vi sinh vật dưới nước do IRD và CNRS tổ chức.