Phòng Công nghệ ADN Ứng dụng

  • Tên phòng: Phòng Công nghệ ADN Ứng dụng (Applied DNA Technology Laboratory)
  • Địa chỉ: Phòng 802 - 804, Nhà B4, Viện Công nghệ sinh học, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Trưởng phòng: PGS. TS. Phạm Bích Ngọc
  • Điện thoại: 024 37910065      Fax: 024 38363144    
  • E-mail: pbngoc@ibt.ac.vn

Năm 1995, Viện Công nghệ sinh học được đầu tư Dự án tăng cường trang thiết bị giúp hình thành "Phòng máy chung" do PGS. Nông Văn Hải phụ trách. Để phù hợp với hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ ADN, tổ Công nghệ ADN ứng dụng – tiền thân của phòng Công nghệ ADN ứng dụng đã được thành lập theo Quyết định số 24/CNSH-QĐ ngày 08/6/1995 của Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học. Từ giai đoạn này, các nghiên cứu theo hướng công nghệ gen của Viện thực sự được đẩy mạnh lên một bước. Những oligo/primer đầu tiên được tổng hợp tại Việt Nam từ Phòng máy chung và được cung cấp cho nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài Viện. Những trình tự gen đầu tiên đã được đọc tại Việt Nam và gửi đi đăng ký tại Ngân hàng gen quốc tế...

Đến năm 1998, Tổ Công nghệ ADN ứng dụng được nâng cấp thành Phòng Công nghệ ADN ứng dụng theo quyết định số 33/CNSH-QĐ, ngày 8/6/1998 của Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học. Phòng có 6 cán bộ biên chế (Nông Văn Hải, Trương Nam Hải, Hoàng Việt, Phạm Thúy Hồng, Trần Thị Phương Liên và Nguyễn Thanh Thủy). TS. Nông Văn Hải được bổ nhiệm làm Trưởng phòng; TS. Phạm Thúy Hồng làm Phó trưởng phòng.

Năm 2000, Phòng đã lớn mạnh và phát triển thành 2 phòng độc lập: 1) Phòng Kỹ thuật di truyền do TS. Trương Nam Hải làm Trưởng phòng và 2) Phòng Công nghệ ADN ứng dụng do PGS. TS. Nông Văn Hải lãnh đạo, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của phòng được giao khi thành lập. Cũng năm này, TS. Nghiêm Ngọc Minh được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng. Đến năm 2006, TS. Nghiêm Ngọc Minh đi công tác nước ngoài, chức vụ này được giao cho TS. Lê Thị Thu Hiền đảm nhiệm.

Từ tháng 8/2006, PGS. TS. Nông Văn Hải được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng và được Viện trưởng phân công phụ trách công tác của PTNTĐCNG. Phòng CNADNƯD được giao nhiệm vụ phụ trách một trong các đơn vị của PTNTĐCNG là Genomics Unit. Tháng 8/2012, PGS. TS. Nông Văn Hải cùng các thành viên được điều động sang thành lập một đơn vị mới là Viện nghiên cứu hệ gen trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Nhân sự mới của phòng CNADNƯD đã được lãnh đạo Viện điều động gồm 9 thành viên (3 cán bộ biên chế, 6 cán bộ hợp đồng) và TS. Lê Văn Sơn đã được giao nhiệm vụ Phụ trách phòng. Tháng 9/2013, TS. Lê Văn Sơn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Tháng 3/2014, TS. Nguyễn Trung Nam được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng. Tháng 7/2017-1/2020, TS. Nguyễn Trung Nam được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Giai đoạn này Phòng CNADNƯD tập trung nghiên cứu cơ chế phân tử của các bệnh di truyền (SNPs, mtDNA, Y-chromosome...); Nghiên cứu đa dạng di truyền sử dụng công cụ metagenomics, Nghiên cứu vai trò của aryl hydrocarbon receptor (Ahr) trên người bị nhiễm dioxin và làm chủ công nghệ di truyền ngược (Reverse genetics) trong nghiên cứu sản xuất vac xincúm A/H5N1.

Từ tháng 2/2020, TS. Nguyễn Trung Nam cùng một số các thành viên được điều động sang thành lập một đơn vị mới là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc và liệu pháp gen. Nhân sự mới của phòng CNADNƯD đã được lãnh đạo Viện điều động gồm 7 thành viên (4 cán bộ biên chế, 3 cán bộ hợp đồng).

Tại thời điểm hiện tại, Phòng CNADNƯD có 10 cán bộ (3 cán bộ biên chế, 7 cán bộ hợp đồng) gồm: 1 PGS; 1 TS; 6 ThS; 1 CN và 1 KTV.

Lãnh đạo phòng qua các thời kỳ

1998 – 2012      Trưởng phòng           PGS. TS. Nông Văn Hải
2012 – 2017  Trưởng phòng PGS.TS. Lê Văn Sơn
  Phó Trưởng phòng  TS. Nguyễn Trung Nam
2017 – 2020 Trưởng phòng TS. Nguyễn Trung Nam
2020 - nay Trưởng phòng  PGS.TS. Phạm Bích Ngọc

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng

  • Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ ADN ứng dụng.
  • Triển khai và phối hợp triển khai ứng dụng theo hướng Công nghệ ADN ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
  • Tham gia công tác đào tạo trong lĩnh vực Công nghệ ADN ứng dụng.

Đào tạo

Phòng đã và đang hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và thực tập sinh của trường Học Viện Khoa học và Công nghệ, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Quân Y, Đại học Y Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Cho đến nay, các cán bộ của phòng đã tham gia hướng dẫn thành công 16 luận án tiến sỹ, 32 luận văn thạc sỹ và nhiều khóa luận. Hiện tại, có 3 nghiên cứu sinh đang làm việc tại phòng. Các cán bộ của Phòng đã và đang tham gia giảng dạy một số môn học như Sinh học phân tử, Công nghệ gen, các kỹ thuật sinh học hiện đại, An toàn sinh học, Công nghệ sinh học và ứng dụng... cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên. Phòng tham gia tổ chức các seminar chuyển đề, các lớp đào tạo về kỹ thuật sinh học phân tử cho các cán bộ thuộc các đơn vị khác.

Hợp tác quốc tế

Phòng CNADNƯD duy trì tốt quan hệ hợp tác khoa học với một số phòng thí nghiệm của nhiều nước. Tiêu biểu như Trung tâm nghiên cứu miễn dịch tiên tiến, Đại học Osaka (Nhật Bản); Khoa Vi sinh vật học, Đại học Wageningen (Hà Lan); Bệnh viện nghiên cứu St. Jude (Hoa Kỳ). Hàng năm, một số cán bộ của phòng được mời làm việc hoặc thực tập một thời gian tại các Phòng thí nghiệm nước ngoài. Trong thời gian từ năm 2013-2018, Phòng CNADNƯD đã đón tiếp và trao đổi khả năng hợp tác với nhiều đoàn khoa học nước ngoài. Trong thời gian từ năm 2019-2023, Phòng CNADNƯD có hợp tác với Viện nghiên cứu Cây trồng và Di truyền Thực vật, CHLB Đức để nghiên cứu phát triển vacxin cúm gia cầm từ cây thuốc lá; Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉnh sửa gen ở thực vật và đánh giá tính ổn định về mặt di truyền của các dòng lúa đột biến qua các thế hệ.