19-11-2008 - Cúm gia cầm và các kỹ thuật sinh học hiện đại tạo vaccine phòng cúm

     Dịch cúm gia cầm gây ra bởi virut cúm A và những ảnh hưởng của dịch này đến đời sống kinh tế xã hội là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là những nước nằm trong vùng dịch. Chỉ trong năm 2003 và 2004, chủng virut cúm A/H5N1 lây lan nhanh trong trong đàn gia cầm ở nhiều nước châu Á và qua đó lây truyền sang người.

   Từ tháng 2 năm 2003, hàng triệu gia cầm và khoảng 360 người nhiễm bệnh với khoảng 230 người chết ở 12 nước Châu Phi, Châu Á và cả Châu Âu. Điều đáng chú ý là virut H5N1 vẫn tiếp tục tiến hóa và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng nếu chúng có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người và gây ra đại dịch.

new2

    Vì những lý do đó, việc tạo ra một loại vaccine hiệu quả bảo vệ người và gia cầm chống lại virut cúm là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong công tác phòng chống cúm, nhất là khi chúng ta đang đứng trước nguy cơ bùng phát đại dịch

    Trong khuôn khổ hợp tác thực hiện đề tài giữa Viện Công nghệ sinh học và Trường Đại học RMIT Melbourne Australia, và dưới sự tài trợ của quỹ nghiên cứu của chính phủ Úc (Australian Government Oversea's Aid Program/AuSaid), chúng tôi đã tiến hành thực hiện hội thảo về “Cúm gia cầm và các kỹ thuật sinh học hiện đại tạo vaccine phòng cúm” với các mục tiêu sau:

  • Cập nhật thông tin về tình hình phát triển của virut cúm và bệnh cúm gia cầm.
  • Thảo luận chung về mục tiêu và biên pháp kiểm soát dịch cúm.
  • Nâng cao hiều biết và kỹ năng về sinh học phân tử trong công nghệ tạo vaccine.
  • Mở rộng và thắt chặt hợp tác quốc tế giữa các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Úc thông qua Viện Công nghệ sinh học và Đại học RMIT Melbourne.

   Chương trình hội thảo được chia làm hai phần và được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 04-09 tháng 11 năm 2008. Phần đầu là buổi trình bày báo cáo của 9 nhà khoa học Úc và Việt Nam. Các báo cáo trình bày một số khía cạnh khác nhau của các nghiên cứu về virut cúm, từ kiến thức cơ bản đến các kỹ thuật sản xuất và ứng dụng vaccine phòng cúm. 

    Phần thứ 2 của hội thảo là khóa tập huấn cho 30 học viên được lựa chọn từ hơn 20 trường Đại học, Viện nghiên cứu từ cá Bộ khác nhau như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ khoa học và công nghệ, Bộ y tế, Bộ giáo dục và đào tạo…. ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Khóa tập huấn kéo dài 4 ngày với các giảng viên đến từ Úc. Nội dung lớp học là các kỹ thuật sinh học hiện đại sử dụng trong nghiên cứu vaccine phòng virut cúm như kỹ thuật tách dòng và biểu hiện gen trong Salmonella, gây đột biến định hướng, dấu chuẩn DNA, phát hiện nhân tố gây độc ở vi khuẩn chọn lọc, biểu hiện và tinh chế protein tái tổ hợp, tin sinh học,  xác định trình tự và biểu hiện gen của virut cúm.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia đầy đủ của các vị khách mời, các học viên và sự nhiệt tình giảng dạy của cá Giáo sư, Tiến sĩ đến từ Úc. Các học viên tham dự được cấp chứng chỉ do Trường đại học RMIT Australia và Viện Công nghệ sinh học cấp.

                       

Tin và ảnh: P. Kỹ thuật di truyền, Viện Công nghệ sinh học